Đây là cuốn sách tham khảo do PGS.TS. Lê Minh Quân chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2014, dày 245 trang.
Sách gồm 9 chương, tập trung phản ánh khái quát, có hệ thống nguồn gốc, đặc điểm và bản chất của một số xu hướng chính trị chủ yếu trên thế giới từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay.

Chương 1: Xu hướng chính trị - Khái niệm và phương pháp nghiên cứu: Trình bày khái niệm xu hướng chính trị và phương pháp nghiên cứu các xu hướng chính trị hiện đại.
Chương 2: Sự phát triển mới của thế giới và tác động của nó đối với chính trị: giới thiệu về sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xu thế toàn cầu hóa và tác động của nó đối với sự hình thành các xu hướng chính trị trong thế giới hiện đại.
Chương 3: Hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay: đề cập đến một thực tế là xu hướng phát triển mới của chính trị thế giới và phương thức tồn tại, phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện nay là hoà bình, hợp tác và phát triển. Thêm vào đó, tác giả cũng giới thiệu về quá trình mở rộng liên kết khu vực và liên kết quốc tế vì mục tiêu hoà bình, hợp tác và phát triển.
Chương 4: Dân chủ hoá xã hội ở các nước hiện nay: nói về sự hình thành những giá trị dân chủ mới trong điều kiện của nền kinh tế tri thức hiện nay; quá trình dân chủ hóa ở các nước hiện nay và một xu hướng chính trị hiện đại ở các nước đó là xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội công dân.
Chương 5: Hình thành trật tự thế giới mới hiện nay: nói đến sự tan rã của Liên Xô kết thúc của trật tự thế giới YANTA (trật tự thế giới hai cực) và hệ quả của nó đối với nền chính trị thế giới và quá trình hình thành trật tự thế giới mới hiện nay.
Chương 6: Giải quyết các vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và khủng bố hiện nay: bắt đầu từ việc giải quyết mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc các nước trên thế giới hiện nay. Tiếp đó, là phần nói về nguồn gốc, bản chất của khủng bố quốc tế và chống khủng bố quốc tế hiện nay.
Chương 7: Tìm kiếm, lựa chọn mô hình phát triển mới ở các nước hiện nay: giới thiệu về Chủ nghĩa tự do mới, Chủ nghĩa xã hội dân chủ và sự khủng hoảng của nó; Con đường thứ ba mới và khó khăn của nó hiện nay; một số xu hướng phát triển mới ở các nước tư bản hiện nay: Xu hướng thị trường xã hội ngày càng chiếm ưu thế, Xu hướng kinh tế tri thức tạo ra tiền đề khắc phục tha hoá lao động, Xu hướng văn minh chính trị tạo ra tiền đề khắc phục tha hoá quyền lực. Và phần cuối chương dành để giới thiệu về đổi mới mô hình phát triển ờ các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Chương 8: Cải cách, đổi mới chính trị ở các nước hiện nay: tập trung trình bày về cải cách chính trị ở các nước tư bản hiện nay; về cải cách, đổi mới chính trị ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay (trường hợp Trung Quốc).
Chương 9: Một số liên hệ từ việc nghiên cứu các xu hướng chính trị trên thế giới và công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay: trước hết là hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới với vấn đề hội nhập và phát triển của nước ta hiện nay; kinh nghiệm từ việc giải quyết các vấn đề dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và từ quá trình dân chủ hoá, đổi mới và cải cách chính trị ở các nước trên thế giới đối với nước ta hiện nay.