Tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ Việt Nam
Nội dung cuốn sách cung cấp cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học hành chính cái nhìn trung thực, khách quan về việc tổ chức phân chia đơn vị hành chính - lãnh thổ của Việt Nam qua nhiều thời kỳ, đồng thời gợi mở một số giải pháp về tổ chức (xác lập) đơn vị hành chính-lãnh thổ có hiệu quả, thiết thực góp phần vào công cuộc cải cách quản lý hành chính nhà nước về phân chia đơn vị hành chính.

Sách do TS. Nguyễn Thị Phượng làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2013.

Sách gồm 4 phần:

Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận về tổ chức đơn vị hành chính - lãnh thổ. Phần này tập trung trình bày nhận thức chung về đơn vị hành chính và đơn vị hành chính – lãnh thổ, các loại đơn vị hành chính cũng như các cấp hành chính. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập tới 5 yếu tố có tác động, ảnh hưởng tới việc xác lập tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ, bao gồm lịch sử, truyền thống; địa lý – tự nhiên; dân cư; địa kinh tế; địa văn hóa; địa chính trị.

Phần thứ hai: Vài nét về tổ chức các đơn vị hành chính trong lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam và của một số quốc gia trên thế giới. Trong phần này, tác giả tập trung lược trích những giai đoạn lịch sử chủ yếu về tổ chức đơn vị hành chính - lãnh thổ của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Đồng thời chỉ ra một số kinh nghiệm về tổ chức đơn vị hành chính của một số quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.

Phần thứ ba: Tác giả tập trung phân tích thực tiễn hoạt động tổ chức phân chia đơn vị hành chính - lãnh thổ ở Việt Nam từ sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay, trải qua 2 giai đoạn từ 1945 – 1986 và giai đoạn từ năm 1992 đến nay. Từ thực tiễn đó, tác giả đã rút ra một số nhận xét về những bất cập, hạn chế trong cách thức tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ, đồng thời đánh giá về sự tác động của việc tổ chức đơn vị hành chính đối với các hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực thu – chi ngân sách nói riêng.

Phần thứ tư: Quan điểm và giải pháp về tổ chức (xác lập) đơn vị hành chính - lãnh thổ nhằm đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước trong điều kiện hiện nay. Nội dung phần này trình bày các yêu cầu chung cũng như yêu cầu đặc thù chi phối việc tổ chức đơn vị hành chính các cấp. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu lên các quan điểm và nguyên tắc trong tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ hiện nay. Đồng thời, để giải quyết những bất cập, hạn chế trong cách thức tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ cũng như thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tác giả đã đưa ra một số giải pháp cơ bản như tiếp tục sửa đổi các quy định của Hiến pháp, luật và văn bản pháp quy tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách đơn vị hành chính các cấp; xác lập hệ thống các tiêu chí tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ các cấp; đổi mới quy trình, thủ tục trong việc tổ chức đơn vị hành chính – lãnh thổ các cấp,…/.

 


Giới thiệu về Thư viện Viện Khoa học tổ chức nhà nước
Thư viện của Viện Khoa học tổ chức nhà nước đang xây dựng, đẩy mạnh, phát triển thư viện số, hiện đại phù hợp với sự phát triển của công nghệ.