Cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Đây là cuốn sách chuyên khảo do TS. Trịnh Thị Xuyến làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2014, dày 247 trang.

          

             Sách gồm 3 phần:

          Phần thứ nhất: Lý luận về cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Tập trung trình bày khái niệm, bản chất, nguyên nhân và các hình thức của tham nhũng; chỉ ra sự cần thiết phải phòng, chống tham nhũng cũng như vị trí, vai trò và cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập thêm về kinh nghiệm của Trung Quốc, Xingapo trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng nhằm gợi mở cho Việt Nam một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thúc đẩy sự tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng.

          Phần thứ hai: Thực trạng cơ chế bảo đảm quyền tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở trình bày về thực trạng cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng, tác giả đã đi sâu trình bày về thực trạng vận hành các cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay; qua đó, tác giả đã chỉ ra được những vấn đề đang gây khó khăn, cản trở sự tham gia của người dân vào quá trình này bao gồm những vấn đề thuộc về khuôn khổ, quy định pháp lý; những vấn đề thuộc về lực lượng vận hành cơ chế và những vấn đề thuộc về môi trường xã hội.

          Phần thứ ba: Phương hướng và giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng. Tác giả đã đưa ra 3 phương hướng và đề xuất 9 giải pháp cơ bản nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng, đó là: ý chí chính trị và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước; thay đổi nhận thức của người dân về tham nhũng, về vai trò của họ trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện cơ chế ủy quyền của dân; xây dựng cơ chế bãi miễn của nhân dân; ban hành Đạo luật về tự do thông tin; ban hành luật bảo vệ người chống tiêu cực, tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phản biện chính sách của người dân; xây dựng và ban hành luật giám sát của nhân dân; bảo đảm sự độc lập xét xử của hệ thống tư pháp./.

 


Giới thiệu về Thư viện Viện Khoa học tổ chức nhà nước
Thư viện của Viện Khoa học tổ chức nhà nước đang xây dựng, đẩy mạnh, phát triển thư viện số, hiện đại phù hợp với sự phát triển của công nghệ.