Cơ sở lý luận và thực tiễn về hành chính nhà nước
Đây là cuốn sách chuyên khảo do PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2014, dày 223 trang.

         Sách gồm 8 chương, tập trung cung cấp những kiến thức cơ bản của khoa học hành chính nói chung và hành chính nhà nước nói riêng.

          Chương 1: Nhập môn hành chính học: trình bày sự hình thành và phát triển của hành chính học, đối tượng, nội dung và phương pháp tiếp cận nghiên cứu hành chính học.

          Chương 2: Khái quát chung về hành chính nhà nước: đề cập đến khái niệm, bản chất, vai trò, đặc điểm của hành chính nhà nước. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn hoạt động của nền hành chính nhà nước, căn cứ vào những đặc điểm của hệ thống chính trị cũng như đặc điểm của hành chính nhà nước Việt Nam, tác giả đã chỉ ra 7 nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hành chính nhà nước.

          Chương 3: Các lý thuyết và mô hình hành chính nhà nước: chương này trình bày một số lý thuyết về hành chính nhà nước bao gồm nghiên cứu về thực thi quyền hành pháp, nghiên cứu về hành chính nhà nước trong mối quan hệ với chính trị, nghiên cứu về nguyên tắc hoạt động của hành chính nhà nước và nhóm lý thuyết nghiên cứu về chức năng hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày một số mô hình hành chính nhà nước gồm mô hình hành chính công truyền thống, mô hình quản lý công mới, mô hình quản trị nhà nước tốt.

          Chương 4: Nền hành chính nhà nước: giới thiệu những vấn đề chung về nền hành chính nhà nước, các yếu tố cấu thành nền hành chính nhà nước.

          Chương 5: chức năng, hình thức và phương pháp hành chính nhà nước: trình bày khái niệm, phân loại chức năng hành chính nhà nước và ý nghĩa của việc nghiên cứu chức năng hành chính nhà nước. Trong đó, tác giả đi sâu trình bày các nhóm chức năng của hành chính nhà nước bao gồm nhóm chức năng quản lý nội bộ nền hành chính nhà nước, nhóm chức năng hành chính nhà nước đối với xã hội.

          Chương 6: Quyết định hành chính nhà nước: trong chương này, tác giả trình bày nhận thức chung về quyết định hành chính nhà nước và các yêu cầu đối với quyết định cũng như việc ban hành quyết định hành chính nhà nước, đồng thời chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng quyết định hành chính nhà nước và quy trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện quyết định hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu ra các hình thức xử lý đối với quyết định hành chính nhà nước bất hợp pháp và bất hợp lý.

          Chương 7: Kiểm soát đối với hành chính nhà nước: nội dung chương này trình bày khái niệm, vai trò của kiểm soát đối với hành chính nhà nước và các căn cứ để phân loại kiểm soát hành chính. Cùng với đó, tác giả đã trình bày về hoạt động kiểm soát bên ngoài đối với hành chính nhà nước và kiểm soát nội bộ hành chính nhà nước.

          Chương 8: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hành chính nhà nước: khái quát về hiệu lực, hiệu quả hành chính nhà nước. Đồng thời chỉ ra sự cần thiết nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính nhà nước. Từ đó, tác giả đã đưa ra các giải pháp chung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hành chính nhà nước và các quan điểm, yêu cầu cũng như các giải pháp cải cách nền hành chính Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020./.


Giới thiệu về Thư viện Viện Khoa học tổ chức nhà nước
Thư viện của Viện Khoa học tổ chức nhà nước đang xây dựng, đẩy mạnh, phát triển thư viện số, hiện đại phù hợp với sự phát triển của công nghệ.