Cuốn sách có tác dụng thiết thực hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức về phương pháp quản lý và giải quyết văn bản sản sinh trong công việc hằng ngày cũng như xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và giải quyết văn bản trong môi trường mạng...
Sách do PGS.TS. Nguyễn Minh Phương biên soạn. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2014, dày 322 trang.
Nội dung cuốn sách trình bày những vấn đề lý luận cơ bản, những thực tiễn sinh động về quản lý và giải quyết văn bản ở các cơ quan, tổ chức. Cuốn sách có tác dụng thiết thực hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức về phương pháp quản lý và giải quyết văn bản sản sinh trong công việc hằng ngày cũng như xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý và giải quyết văn bản trong môi trường mạng... Đồng thời là một tài liệu tham khảo bổ ích đối với cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và sinh viên các ngành học về Quản trị văn phòng, Thư ký văn phòng, Văn thư, Lưu trữ ở các trường đại học.

Sách gồm 7 chương:
Chương I: Những vấn đề chung về quản lý và giải quyết văn bản trong các cơ quan, tổ chức. Trình bày các khái niệm cơ bản về văn bản, quản lý văn bản, giải quyết văn bản. Đồng thời nêu lên ý nghĩa và tác dụng của việc quản lý và giải quyết văn bản. Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày về 5 hình thức quản lý và giải quyết văn bản trong các cơ quan, tổ chức.
Chương II: Chương này tập trung trình bày 5 nguyên tắc chung trong việc quản lý và giải quyết văn bản được đúc rút từ thực tiễn việc quản lý và điều hành công sở, bao gồm giải quyết văn bản nhanh chóng, kịp thời; đúng pháp luật nhà nước và quy định của cơ quan; bảo vệ bí mật nhà nước và bí mật của cơ quan; quản lý chặt chẽ văn bản của cơ quan, tổ chức, tránh mất mát, thất lạc văn bản và nguyên tắc người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về quản lý và giải quyết văn bản của cơ quan, tổ chức.
Chương III, IV: Trình bày khái niệm, đặc điểm của văn bản đến, văn bản đi và ý nghĩa, tác dụng của văn bản đến và văn bản đi; quy trình nghiệp vụ, thủ tục và trách nhiệm của các chức danh trong việc quản lý và giải quyết văn bản đến cũng như quản lý và giải quyết văn bản đi.
Chương V: Lập hồ sơ hiện hành và nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, tổ chức. Nội dung chương này trình bày các khái niệm về hồ sơ, lập hồ sơ, đặc điểm của hồ sơ; ý nghĩa và tác dụng của việc lập hồ sơ hiện hành, phân loại hồ sơ hiện hành và các yêu cầu của việc lập hồ sơ hiện hành; phương pháp lập hồ sơ công việc, hồ sơ nguyên tắc, hồ sơ nhân sự và hồ sơ tài liệu công trình xây dựng. Ngoài ra, tác giả cũng nêu lên sự cần thiết và các nội dung liên quan đến việc tổ chức lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ hiện hành vào lưu trữ cơ quan, tổ chức.
Chương VI: Trình bày khái quát về giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước; so sánh việc quản lý và giải quyết văn bản của bộ phận một cửa và một cửa liên thông với các đơn vị khác trong cơ quan, tổ chức. Từ đó, tác giả nêu lên phương pháp quản lý và giải quyết văn bản, hồ sơ của bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Chương VII: Chương cuối của sách, tác giả đi sâu trình bày về khái niệm, đặc điểm của môi trường mạng, vấn đề quản lý và giải quyết văn bản đến, văn bản đi trong môi trường mạng tại các cơ quan, tổ chức./.