Đề tài phân tích một cách toàn diện nhất cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn về cải cách công vụ nhằm hoàn thiện chế độ công vụ Việt Nam đáp ứng công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Mã số: ĐTĐL-2004/25
Năm đăng ký: 2004
Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều
Thư ký khoa học: ThS. Trần Anh Tuấn
Năm nghiệm thu: 2006
Xếp loại: Xuất sắc
1. Tính cấp thiết của đề tài
Công vụ là một yếu tố quan trọng của nền hành chính quốc gia, là một lĩnh vực thuộc hoạt động công quyền. Nói một cách khác, công vụ là những nội dung - những công việc và trách nhiệm để thực hiện quyền lực công, quyền lực của nhà nước. Bởi vậy, bất kỳ nhà nước nào cũng phải xây dựng một nền công vụ tương thích với nền tảng chính trị và thể chế nhà nước của mình. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lịch sử, nền công vụ thực sự được hình thành như một thể chế nhà nước chỉ bắt đầu từ sau cách mạng tư sản với sự ra đời của nhà nước pháp quyền.
Ở Việt Nam, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20-5-1950 về thực hiện Quy chế công chức. Đó chính là nền tảng cho việc xây dựng và thực hiện chế độ công vụ ở Việt Nam. Từ đó đến nay nhất là trong thời kỳ đổi mới, chúng ta dần dần bổ sung và hoàn chỉnh chế độ công vụ nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của đất nước trong từng thời kỳ. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần xây dựng một nền công vụ, một đội ngũ công chức có phẩm chất chính trị, năng lực, thông thạo về nghiệp vụ chuyên môn. Đã có một số công trình nghiên cứu và tài liệu viết về các phương diện khác nhau trong cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính và cải cách công vụ, song nhìn chung chưa có một nghiên cứu nào phân tích một cách toàn diện về lý luận cũng như thực tiễn cải cách công vụ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài này nhằm phân tích một cách toàn diện nhất cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn nhằm hoàn thiện chế độ công vụ Việt Nam đáp ứng công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
2. Mục tiêu của đề tài
Đề tài tập trung vào nghiên cứu các căn cứ lý luận, cơ sở khoa học của nền công vụ trong quá trình xây dựng và hoạt động của nhà nước, đồng thời tổng kết được những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới để tham khảo và áp dụng thực hiện phù hợp ở Việt Nam; đánh giá thực trạng, làm rõ các vấn đề thực tiễn của chế độ công vụ ở Việt Nam; xây dựng luận cứ khoa học, xác định những quan điểm, phương hướng và nêu những khuyến nghị khoa học về các giải pháp hoàn thiện chế độ công vụ hiện nay ở Việt Nam.
3. Nội dung và kết cấu của đề tài
Ngoài lời nói đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, đề tài gồm ba phần:
Phần I: Những vấn đề về cơ sở khoa học của công vụ và chế độ công vụ
Chương 1: Một số khái niệm về công vụ và công chức.
Chương 2: Cơ sở của nền công vụ và công vụ trong mối quan hệ với các thiết chế và lĩnh vực khác.
Chương 3: So sánh một số loại hình công vụ, cải cách công vụ trên thế giới và một số bài học kinh nghiệm rút ra về xây dựng nền công vụ nước ta.
Chương 4: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và của Đảng về công chức, công vụ và xây dựng nền công vụ trong thời kỳ mới.
Phần II: Đánh giá thực trạng chế độ công vụ ở nước ta từ năm 1945 đến nay
Chương 1: Tổ chức nhà nước và quá trình phát triển nền công vụ Việt Nam.
Chương 2: Thực trạng những yếu tố cơ bản của chế độ công vụ Việt Nam hiện nay.
Chương 3: Chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ và hệ thống công sở, các phương tiện phục vụ hoạt động công vụ.
Phần III: Quan điểm, phương hướng và các giải pháp hoàn thiện chế độ công vụ
Chương 1: Quan điểm hoàn thiện chế độ công vụ.
Chương 2: Thống nhất các khái niệm dùng trong chế độ công vụ và phương hướng hoàn thiện chế độ công vụ ở Việt Nam hiện nay.
Chương 3: Các giải pháp hoàn thiện chế độ công vụ.
4. Những đề xuất, kiến nghị
Đề tài đưa ra một số đề xuất kiến nghị theo các nhóm vấn đề:
- Nhóm các giải pháp hoàn thiện thể chế công vụ, công chức: cần phải tập hợp, rà soát đánh giá thể chế công vụ. Cần pháp điển hoá pháp luật về công vụ, công chức. Luật Công vụ hàm chứa các nội dung cơ bản như: mục tiêu của công vụ; các nguyên tắc của chế độ công vụ; phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Công vụ; các quyền và nghĩa vụ của công chức; tuyển dụng công chức; đào tạo, bồi dưỡng công chức nhà nước; điều động, kiêm nhiệm, thăng, giáng công chức nhà nước; cách từ chức, thôi việc đối với công chức nhà nước; khen thưởng và trách nhiệm pháp lý của công chức; công sở; kiểm tra, thanh tra công vụ.
Xây dựng một số quy định đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; ban hành Quy chế công chức trong các ngành nghề khác nhau; hoàn thiện thể chế pháp luật về trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức.
- Nhóm các giải pháp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước: tiếp tục phân công lại nhiệm vụ, quyền hạn giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại các bộ phận cơ cấu của bộ, cơ quan ngang bộ (cục, vụ, viện…).
- Nhóm các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức: Đổi mới quy trình, chế độ tuyển dụng công chức phải trên cơ sở cạnh tranh thực sự; thi nâng ngạch công chức trên cơ sở cạnh tranh; đổi mới phương thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; đổi mới quy trình, phương thức, nội dung đánh giá công chức.
- Nhóm các giải pháp đổi mới, chuẩn hoá công sở để phục vụ cho thực hiện công vụ: các nguyên tắc, điều kiện tổ chức hoạt động công sở; các giải pháp cụ thể đổi mới, chuẩn hoá công sở.