Nghiên cứu lý luận về tổ chức nhà nước phục vụ cải cách bộ máy nhà nước giai đoạn 2001 - 2010
 

Chủ nhiệm đề tài: TS. Thang Văn Phúc

Thư ký khoa học: TS. Dương Quang Tung

TS. Hà Quang Ngọc

TS. Nguyễn Minh Phương

Năm đăng ký: 2001

Năm nghiệm thu: 2009

Xếp loại: Khá

 

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những kinh nghiệm tiến bộ về lý luận và thực tiễn tổ chức nhà nước của thế giới để xây dựng một mô hình tổ chức nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phù hợp với đặc thù của đất nước trong bối cảnh cụ thể lúc bấy giờ. Nhưng sau đó, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong một thời kỳ dài, từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX đến nay, chúng ta đã áp dụng máy móc mô hình tổ chức nhà nước Xôviết và rất ít chú ý đến việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về tổ chức nhà nước của thế giới hiện đại, chưa thực sự quan tâm học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm cải cách nền hành chính nhà nước, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước của các quốc gia trên thế giới.

Chính sự lạc hậu về lý luận và ít chú ý học hỏi kinh nghiệm thế giới nên trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện tổ chức nhà nước chúng ta đã và đang gặp phải nhiều vấn đề cơ bản, cốt lõi chưa có lời giải thỏa đáng, đúng đắn trong thực tiễn tổ chức nhà nước. Những cải cách, đổi mới vừa qua còn có phần mang tính chắp vá, khắc phục tình thế, chưa dựa trên nền tảng lý luận khoa học, khách quan, chưa có một triết lý phù hợp, chưa theo một đường hướng cơ bản, nhất quán mang tính khoa học và thực tiễn cao. Do vậy, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về tổ chức nhà nước phục vụ cải cách bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là công việc rất cần thiết, có tính cấp bách hiện nay.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài

a) Mục tiêu

Làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản, thiết thực của tổ chức nhà nước, phục vụ xây dựng chiến lược, phương hướng và giải pháp cải cách bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

b) Các nhiệm vụ

- Hệ thống hóa các quan điểm, lý luận chủ yếu về tổ chức nhà nước đã ra đời trong lịch sử phát triển nhận thức của thế giới; so sánh, chọn lọc, tiếp thu có phê phán những yếu tố hợp lý có thể vận dụng được.

- Phân tích quá trình phát triển lý luận và kinh nghiệm về tổ chức nhà nước, rút ra những bài học cần thiết trong việc xây dựng tổ chức nhà nước cách mạng ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay.

- Xây dựng cơ sở khoa học - các quan điểm, nguyên tắc, giải pháp, định hướng cải cách bộ máy nhà nước trong thời kỳ 2001 - 2010.

3. Nội dung nghiên cứu và kết cấu của báo cáo tổng hợp

 Ngoài phần mở đầu và kết luận, báo cáo kết quả nghiên cứu được chia thành 3 phần gồm 12 chương.

Phần I: Lý thuyết và kinh nghiệm tổ chức bộ máy nhà nước của một số quốc gia trên thế giới

Chương 1: Các tư tưởng và học thuyết về Nhà nước và tổ chức nhà nước.

Chương 2: Thực tiễn tổ chức nhà nước trong thế giới hiện đại.

Chương 3: Một số nhận xét và quan điểm rút ra từ lý luận và thực tiễn tổ chức nhà nước của thế giới.

Phần II: Lý luận và thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta từ 1945 đến nay

Chương 1: Quan điểm và thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta theo Hiến pháp 1946.

Chương 2: Quan điểm và thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta theo Hiến pháp 1959.

Chương 3: Quan điểm và thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta theo Hiến pháp 1980.

Chương 4: Quan điểm và thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Phần III: Quan điểm, nguyên tắc, phương hướng tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay

 Chương 1: Những quan điểm, nguyên tắc chung.

Chương 2: Quan điểm, nguyên tắc, phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp (Quốc hội).

Chương 3: Quan điểm, nguyên tắc, phương hướng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Chương 4: Quan điểm, nguyên tắc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Chương 5: Nguyên tắc và phương pháp quản lý nhân sự trong bộ máy nhà nước.

4.  Những đề xuất, kiến nghị của đề tài

- Cần tiếp tục nghiên cứu toàn diện và đầy đủ hơn nữa các tư tưởng chính trị, lý luận, học thuyết tổ chức nhà nước trên thế giới làm cơ sở cho việc tiếp thu có chọn lọc và vận dụng hoàn thiện tổ chức nhà nước Việt Nam.

Thực tiễn tổ chức nhà nước của các quốc gia trên thế giới đã cho thấy mỗi nước đều xây dựng cho mình một lý luận nhất định làm nền tảng cho việc tổ chức đời sống chính trị nói chung và tổ chức nhà nước nói riêng. Mỗi học thuyết, lý luận đều có hạt nhân hợp lý và cũng có những hạn chế, khiếm khuyết nhất định. Do vậy, việc nghiên cứu các lý luận, các tư tưởng chính trị đã từng xuất hiện và có ảnh hưởng trên thế giới là điều cần thiết, nhất là những học thuyết, lý luận, tư tưởng xuất hiện trong thời cận, hiện đại mà vì những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau chưa được nghiên cứu đầy đủ. Từ đó, nhận thức rõ rằng nhà nước pháp quyền không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, mà là thành tựu của nhân loại trong quá trình đấu tranh và xây dựng nền dân chủ.

- Trên tinh thần tư duy lý luận độc lập, tự chủ, sáng tạo và tổng kết thực tiễn hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam cần thiết lựa chọn và xây dựng một lý luận nền tảng khoa học, hợp quy luật cho việc tổ chức đời sống chính trị và tổ chức nhà nước. Theo đó, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng vừa phải xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và truyền thống dân chủ của dân tộc, mang bản chất của chế độ chính trị, đồng thời phải thể hiện được các giá trị, chuẩn mực phổ biến của nhà nước pháp quyền với ý nghĩa là các giá trị chung của nhân loại.

- Việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước là một quá trình mang tính kế thừa và phát triển, dựa trên nền tảng thể chế nhà nước dân chủ, pháp quyền. Do vậy, mọi sự thay đổi trong tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay, cần phải tính đến việc kế thừa những ưu điểm, tiến bộ, hợp lý của các mô hình tổ chức nhà nước đã được áp dụng trong quá trình lịch sử xây dựng và phát triển đất nước từ năm 1945 đến nay, nhất là những tư tưởng và quan điểm của Hồ Chí Minh, được thể hiện ở Hiến pháp 1946 và ở các Hiến pháp sau này. Cần tránh khuynh hướng phủ định sạch trơn, hoặc nôn nóng muốn thay đổi hoàn toàn mô hình tổ chức nhà nước hiện hành, vì điều đó sẽ phải trả giá rất đắt cả về chính trị, kinh tế, xã hội…

 - Với nhận thức đó, về mặt tổ chức bộ máy nhà nước, Ban Chủ nhiệm đề tài có những kiến nghị cụ thể như sau:

+ Tiếp tục phát huy và thể hiện rõ trên thực tế bản chất dân chủ của Nhà nước ta trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, xem đây là mục tiêu, động lực chủ yếu của cải cách bộ máy nhà nước hiện nay.

 Nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bầu cử các cơ quan đại biểu của dân, các cơ quan quyền lực nhà nước và các chức danh bầu cử trong bộ máy nhà nước nhằm khắc phục, hạn chế tính hình thức trong hoạt động bầu cử, làm cho người dân thực sự quan tâm và có trách nhiệm cao trong việc giới thiệu, lựa chọn người ra ứng cử, đề cử vào các cơ quan và các chức danh bầu cử trong bộ máy nhà nước.

 Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế bảo đảm và tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân trong việc quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát các hoạt động chủ yếu của bộ máy nhà nước; sớm ban hành Luật Trưng cầu dân ý, hoàn thiện các thể chế có liên quan đến vai trò trực tiếp quyết định và giám sát của người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

+ Tiếp tục đổi mới cơ quan lập pháp (Quốc hội) theo hướng thực hiện dân chủ hóa và bảo đảm thực quyền trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp quy định. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng không phải là cơ quan toàn quyền; không nên đồng nhất nguyên tắc thống nhất quyền lực với nguyên tắc tập quyền. Cụ thể hóa chức năng giám sát của Quốc hội, xác định rõ phạm vi, nội dung cơ chế giám sát của Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo hướng tập trung giám sát cơ quan hành pháp cao nhất, đặc biệt chú trọng việc giám sát ngân sách và nhân sự, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức trong việc sử dụng ngân sách nhà nước. Bổ sung, hoàn thiện thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm đối với thành viên của chính phủ và các chức danh khác do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

+ Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

 Nhận thức rõ chức năng của Chính phủ trong điều kiện mới là thực hiện quản lý nhà nước và xây dựng thể chế, chính sách. Chính phủ mạnh là Chính phủ có năng lực xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách và chủ động trong việc đề xuất sáng kiến lập pháp, chỉ đạo việc soạn thảo dự án luật để trình Quốc hội. Tăng cường thẩm quyền và nâng cao chất lượng lập quy của Chính phủ đáp ứng tính năng động của thị trường và tạo môi trường cho các yếu tố thị trường hình thành và phát triển đường hướng.

 Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất trong quản lý, điều hành các lĩnh vực hoạt động của đất nước; đồng thời thực hiện phân công, phân cấp thẩm quyền một cách hợp lý, rõ ràng nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa chính phủ với các cấp chính quyền địa phương. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người phụ trách trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp.

 Thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện đối với chính quyền nông thôn, không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường đối với chính quyền đô thị để có cơ sở xem xét, đề nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phân biệt sự khác nhau về mô hình tổ chức và cơ chế vận hành giữa bộ máy chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.

 Sớm chấm dứt tình trạng tiếp tục chia tách các đơn vị hành chính, thực hiện phân loại đơn vị hành chính các cấp và có cơ chế, chính sách phù hợp.

+ Tiếp tục cải cách bộ máy tư pháp theo hướng bảo đảm tính độc lập và tính chuyên nghiệp hơn.

 Làm rõ hơn vị trí trung tâm của tòa án trong hệ thống tư pháp; thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án trong cải cách tư pháp. Xây dựng đội ngũ thẩm phán và các chức danh tư pháp có bản lĩnh, trình độ chuyên môn cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng thông qua cơ chế thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và chế độ đãi ngộ hợp lý. Phân định lại thẩm quyền xét xử giữa tòa án các cấp trên cơ sở, tổ chức hệ thống toà án theo nguyên tắc hai cấp xét xử; không đặt toà án và cơ quan kiểm sát hoàn toàn lệ thuộc vào đơn vị hành chính như hiện nay nhằm tạo cho hệ thống cơ quan tư pháp độc lập với cấp uỷ và chính quyền địa phương, phát huy năng lực của đội ngũ thẩm phán và công tố viên, tiết kiệm về cơ sở vật chất.

Nghiên cứu áp dụng mô hình Viện Công tố thuộc bộ máy hành pháp nhằm đổi mới vai trò, chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân hiện nay. Xác định lại vị trí và phạm vi thẩm quyền của các cơ quan điều tra đáp ứng yêu cầu hoạt động độc lập, trách nhiệm rõ ràng, chỉ tuân thủ pháp luật, bộ máy gọn nhẹ, chỉ đạo thông suốt.

 - Về vấn đề quản lý nhân sự trong bộ máy nhà nước, cần thống nhất nguyên tắc quản lý nhân sự nhằm bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên môn hóa, hiện đại (cả về trình độ nghề nghiệp và ý thức, đạo đức nghề nghiệp), tận tụy với công vụ. Quản lý phải tạo được động lực để mỗi người vươn lên tự hoàn thiện chính mình; vừa đề cao pháp trị, tuân thủ pháp luật kết hợp với phương pháp nêu gương, đề cao đạo đức cá nhân người đứng đầu các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức của nhà nước. Hệ thống thể chế quản lý phải quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nói chung và ở mỗi ngành, nghề, mỗi cơ quan nói riêng.

Quản lý nhân sự là khoa học và nghệ thuật, vừa tuỳ thuộc vào tổ chức, bộ máy và chế độ, chính sách; vừa tuỳ thuộc từng cá nhân người lãnh đạo, quản lý. Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho những người làm việc trong hệ thống tham mưu về quản lý nhân sự; đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhân sự.


Giới thiệu về Thư viện Viện Khoa học tổ chức nhà nước
Thư viện của Viện Khoa học tổ chức nhà nước đang xây dựng, đẩy mạnh, phát triển thư viện số, hiện đại phù hợp với sự phát triển của công nghệ.